Xác định hư hỏng hệ thống làm lạnh không khí xe hơi
Để làm mát không khí trong xe, hệ thống điện lạnh ô tô hoạt động theo một chu trình khép kín.
Kiểm tra sơ bộ hệ thống làm lạnh
1/ Khi hệ thống làm lạnh hoạt động bình thường, đường ống phía có áp lực cao sẽ nóng và phía có áp lực thấp sẽ lạnh. Có hai cách để xác định đường ống thuộc phía áp lực nào:
+ Đường ống phía áp lực cao thường có đường kính nhỏ hơn đường ống phía áp lực thấp.
+ Vào những ngày ẩm ướt sẽ có những giọt nước hoặc tuyết bám vào đường ống phía áp lực thấp.
Từ đó suy ra cách kiểm tra hệ thống lạnh đơn giản và nhanh chóng là sờ vào các đường ống của hệ thống lạnh. Đường ống có áp lực cao phải nóng. Đường ống có áp lực thấp phải lạnh.
Dọc theo đường ống phía áp lực cao hoặc phía áp lực thấp mà có sự thay đổi nhiệt độ thì bên trong đường ống có những chỗ bị hẹp (bị nhỏ lại) do móp – bẹp, tắc nghẽn…
Nếu máy nén hoạt động mà không có sự khác biệt nhiệt độ giữa các đường ống ở phía áp lực cao và phía áp lực thấp thì chất làm mát trong hệ thống ít hoặc không có.
2/ Dùng nhiệt kế đo nhiệt độ khí lạnh để đánh giá khả năng làm lạnh.
Đặt một nhiệt kế trong cửa thoát khí chính giữa trên bảng điều khiển (táp-lô). Đóng kín các cửa xe và chạy máy lạnh trong 5 phút. Sau đó, trong chu kỳ máy nén đang hoạt động (ga-răng-ty lớn), tiến hành đọc chỉ số đo của nhiệt và so với bảng dưới đây để xác định khả năng làm lạnh của hệ thống:
Nhiệt độ môi trường/ Nhiệt độ khí lạnh (đơn vị đo: độ C)
21/ 2-8 26.5 / 4-10 32/7-13 37.5/10-17 43/13-21
(chỉ số cụ thể tuỳ thuộc vào từng loại xe).
Nếu nhiệt độ khí lạnh nằm trong khoảng cho phép là OK, còn lớn hơn thì chắc chắn hệ thống lạnh có vấn đề.
Sơ đồ cấu tạo hệ thống điện lạnh ô tô
A Máy nén (bốc lạnh) F. Van tiết lưu
- Bộ ngưng tụ (Giàn nóng) G. Bộ bốc hơi
- Bộ lọc hay bình hút ẩm H. Van xả phía thấp áp
- Công tắc áp suất cao I. Bộ tiêu âm
- Van xả phía cao áp
Xác định một số nguyên nhân trục trặc hệ thống làm lạnh.
1/ Nhiều nguyên nhân làm cho hệ thống lạnh hoạt động không tốt có thể phát hiện bằng việc quan sát. Những nguyên nhân đó bao gồm: dây đai truyền động máy nén bị lỏng hoặc hỏng, các đường rãnh lưu thông không khí trên bộ ngưng hơi bị cản trở, li hợp máy nén lỏng, giá lắp máy nén bị lỏng hoặc gẫy. Những hư hỏng khác có thể nhìn thấy như dây dẫn điện bị gãy, đứt, đầu máy nén bị rò rỉ. Quan sát tình trạng trong hệ thống làm mát động cơ cũng có thể biết được nguyên nhân gây ra sự quá nhiệt.
2/ Một số dấu hiệu thể hiện trên kính kiểm soát ga (mắt lọc – nằm phía trên bầu hút ẩm/lọc ga – thường sơn màu đen) cũng cho ta biết tình trạng của hệ thống lạnh:
+ Màu trắng đục như sữa -> có nước trong hệ thống.
+ Thỉnh thoảng có bọt nước -> chất làm mát hơi thấp hoặc bộ hút ẩm không giữ được hơi ẩm.
+ Có bọt nổi liên tục -> chất làm mát quá thấp.
+ Có vết sọc của dầu trên kính -> hệ thống không còn chất làm mát.
+ Kính kiểm tra màu sáng -> Hệ thống hoạt động bình thường nhưng cũng có thể hệ thống trống rỗng.
Lưu ý dành cho các thân chủ khi đứng xem thợ sửa chữa hệ thống lạnh
+ Chú ý bảo vệ mắt. Chất làm lạnh (chất sinh hàn) rơi vào mắt có thể gây mù. Nếu bị chất làm lạnh bắn vào mắt thì lập tức rửa mắt với một lượng nước lớn trong vòng 15 phút, rồi đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được điều trị.
+ Chất làm lạnh vấy vào da sẽ gây lạnh tê cóng, có thể gây bỏng lạnh.
+ Nếu mở van áp lực cao trên cụm đồng hồ đo áp lực (áp lực kế) trong khi động cơ đang chạy hoặc trong lúc đang nạp hệ thống. Áp lực cao sẽ đi vào bình chứa chất làm lạnh và sẽ GÂY NỔ. Để nạp một hệ thống lạnh trong khi nó đang hoạt động, chất làm lạnh chỉ được thêm vào ở phía áp lực thấp của hệ thống.
Vậy nên tốt nhất là đứng tránh xa mấy chú thợ khi các chú ấy đang .. vặn vặn, trọc trọc hệ thống lạnh.